Làng nghề đã và đang tạo việc làm tại chỗ cho hàng trăm nghìn lao động nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, một số làng nghề luôn đối diện với nguy cơ cao mất an toàn lao động.
Nhiều làng nghề đang đối diện với nguy cơ mất an toàn lao động
Theo lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, trong số 75 làng nghề trên địa bàn tỉnh hiện nay, nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông – lâm sản và thủ công mỹ nghệ tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn trong sản xuất. Nhiều làng nghề thuộc các nhóm này cơ bản chưa đạt yêu cầu về điều kiện làm việc, bảo hộ lao động và ATVSLĐ. Có làng nghề chưa tổ chức tập huấn về an toàn lao động.
Với 62 làng nghề truyền thống, Bắc Ninh cũng là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, với những làng nghề nổi tiếng. Tuy nhiên, bên cạnh phát triển kinh tế, nhiều làng nghề ở Bắc Ninh đang ô nhiễm môi trường đến mức báo động, điển hình như làng nghề sắt thép Đa Hội (Châu Khê). Ở đây, các lò nung sắt thép hoạt động suốt ngày đêm, lượng khí thải CO2, SO4… luôn vượt ngưỡng cho phép. Lượng nước thải, phế thải công nghiệp, xỉ than, xỉ sắt thép đổ dồn ra ao, hồ… làm cho nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người lao động. Những căn bệnh về thận, đường hô hấp, tim mạch, ung thư… đã, đang xuất hiện ngày càng nhiều trong các làng nghề.
Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bắc Ninh, mỗi năm tại các làng nghề trong tỉnh xảy ra 5 – 7 vụ tai nạn lao động, gây thiệt hại không nhỏ về tính mạng con nguời, tài sản của doanh nghiệp. Điểm chung của các vụ tai nạn đều do sự chủ quan của người lao động và chủ sử dụng lao động khi họ chưa ý thức được hậu quả của tai nạn lao động, dẫn tới việc chủ sử dụng lao động chưa xây dựng, niêm yết các nội quy, quy trình vận hành các loại máy hoặc cảnh báo mối nguy hiểm để người lao động phòng tránh; xem nhẹ công tác huấn luyện an toàn cho người lao động; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp tại các làng nghề đều đang sử dụng công nghệ lạc hậu, mặt bằng sản xuất chật hẹp, nằm cận kề khu dân cư hoặc tại gia đình, ít chú ý đầu tư cải thiện điều kiện làm việc; cơ sở sản xuất không có hệ thống thông gió, hút bụi, xử lý hơi khí độc trong nhà xưởng; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ mang tính hình thức, thậm chí nhiều nơi không tổ chức huấn luyện…